Việc để quạt thổi trực tiếp vào người làm cơ thể mất nước và nhiệt lượng, bị lạnh và dễ mắc bệnh. Có người đang rất nóng, mồ hôi như tắm, đột nhiên bật quạt lớn, dễ dẫn tới nhiễm phong. Nếu lúc ngủ còn để quạt sẽ bị cúm. Y học đã ghi nhận những trường hợp đột tử do nằm quạt.
Có bậc phụ huynh kể rằng sau khi dùng cả quạt hơi nước, quạt điện cho con để chống nóng thì con bị ốm. Đi khám bác sĩ bảo bé vừa bị đau họng, vừa bị trúng phong. Và trong các bệnh viện những ngày này số trẻ bị viêm đường hô hấp tăng nhanh, không ít trong số đó nguyên nhân bắt đầu từ máy lạnh, quạt điện.
Theo bác sĩ Quang Bình, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, Hà Nội, những ngày nắng nóng mọi người hay để điều hòa từ 18 đến 20 độ C, nhưng theo các chuyên gia y tế thì việc làm trên không có hiệu quả như mong muốn mà còn tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus phát triển. Không khí nóng - lạnh bất thường còn làm cơ thể không kịp thích ứng nên dễ bị cúm trong ngày nóng. Nhiều nhà có thói quen đặt quạt điện sát người trẻ và không đổi hướng trong thời gian dài khiến mồ hôi bốc hơi rất nhanh, nhiệt độ ngoài da giảm xuống rõ rệt, còn phần da không có gió, mồ hôi bốc hơi chậm, nhiệt độ ngoài da tương đối cao, mạch máu da giãn rộng... làm sự tuần hoàn máu và bài tiết mồ hôi bị mất cân bằng, bị đau đầu, váng đầu, toàn thân bứt rứt... Nặng hơn là bị trúng gió, hội chứng vai gáy, cần phải có bác sĩ điều trị.
Nên dùng máy lạnh, quạt điện như thế nào?
Theo các bác sĩ, quạt điện chỉ nên dùng để làm thay đổi luồng không khí trong phòng cho bớt nóng bức. Khi nằm quạt, nên nằm cùng hướng thổi của quạt, hướng ra cửa. Không nên bật số cao, chỉ nên để tốc độ gió trong mức 0,2-0,5 mét/giây, tối đa không quá 3 mét/giây. Phòng thoáng gió thì chỉ nên mở quạt số nhỏ cho gió thổi nhẹ. Cũng không nên để quạt thốc thẳng vào người mà để gió thổi lệch sang phía khác tránh gió lạnh xâm nhập cơ thể, nhất là với người đang suy nhược hoặc đang đầm đìa mồ hôi. Tốt nhất là dùng quạt đảo chiều. Người già yếu, người suy nhược và trẻ em nên ít dùng quạt điện. Khi mồ hôi ra nhiều, không nên bật quạt ngay vì các mạch máu ngoài da toàn thân lúc đó đang giãn rộng, nếu bị gió đột ngột sẽ co lại làm ngưng trệ bài tiết mồ hôi, gây mất cân bằng giữa việc sinh nhiệt và tán nhiệt trong cơ thể, nhiệt lượng dư thừa không được phát tán ra ngoài... Mặt khác khi gió mát thổi, chức năng phòng ngự cục bộ giảm xuống, virus và vi khuẩn xâm nhập có thể gây bệnh cảm nhiễm đường hô hấp, đau khớp, thậm chí đau bụng tiêu chảy.
Với máy lạnh thì khoảng cách nhiệt độ ở ngoài trời và trong nhà chênh nhau 8-10 độ C là phù hợp với sự thích ứng của cơ thể người. Mùa nóng nên để máy lạnh ở mức 26 độ C là cơ thể tránh bớt được những bệnh mùa hè như ngạt mũi, viêm họng, đau đầu, chóng mặt... cơ thể cũng không phải chống nóng hoặc chống lạnh, và không bị choáng váng khi từ phòng lạnh ra ngoài trời. Không nên ngồi trong phòng lạnh quá 2 giờ mỗi lần. Nên uống nhiều nước để chống khô họng, bôi kem dưỡng ẩm để chống khô da. Trong phòng nên đặt một chậu nước, năng lau sàn nhà ướt. Mỗi khi từ phòng lạnh ra ngoài nên mở to cửa và đứng ở cửa khoảng 2-3 phút để cơ thể thích nghi với không khí mới.
Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyến cáo rằng máy lạnh không tốt cho những bệnh nhân hô hấp, đặc biệt là bệnh nhân hen suyễn, do đó nên dùng không khí tự nhiên, mở hết cửa phòng cho thoáng để thông khí trong và ngoài phòng trao đổi. Máy điều hòa nên vệ sinh sạch sẽ 1 tháng/lần hoặc thay tấm lọc mỗi tháng 1 lần, bởi nếu không dàn lạnh sẽ là nguồn phát tán mầm bệnh vào nhà.
Vui lòng đợi ...